Hoàng thảo Vôi (Dendrobium cretaceum) theo ý kiến cá nhân tôi là loại
hoa lan hoàng thảo tuyệt đẹp, có hương thơm và từ trước đến nay vẫn có giá về mặt giá cả. Cùng tìm hiểu
cách trồng Hoàng thảo Vôi nhé.
Thân Hoàng thảo Vôi có hình dáng giống Long tu Lào, ngắn mập, trụ tròn, thường dài 20 – 50 cm, đều có các các mắt lõm rõ ràng trên thân, các thân tơ trong mùa xuân - hè có màu xanh nhạt, vào cuối thu đầu đông thì các thân tơ này bước vào mùa nghỉ sẽ căng bóng, lớp vỏ mỏng bên ngoài thân chuyển sang màu trắng khô hơi bóng, lớp màng này bao phủ toàn bộ thân kể cả các mắt lõm trên thân, nhìn bằng mắt thường cũng có thể dễ dàng thấy được chỗ các mắt này có hình tam giác trắng rõ hơn xung quanh, ở các mắt này chính là chỗ bật nụ hoa sau này. Thân Hoàng thảo Vôi kể cả thân già hoặc thân tơ đang nghỉ mà bị tróc ít lớp vỏ, ta thấy bên trong có màu xanh hoặc xanh ngả vàng.
Lá hình giáo, nhọn ở đỉnh, dài khoảng 7 - 10 cm, rộng 2.5 - 4 cm, hơi dày và mọng nước, vận chuyển trong mùa hè dễ bị dập, gãy.
Hoàng thảo Vôi dễ ra hoa, mùa hoa khoảng tháng 3-4 dương lịch, hoa có nhiều lông ở cánh và lưỡi, thơm mùi hoa nhài, đậm hơn vào buổi sáng và trưa, dịu vào buổi chiều, không thơm vào ban đêm. Dưới nắng, hoa tỏa hương mạnh, đồng thời màu cánh tím/hồng vẫn rực rỡ bên họng hoa trắng rất đẹp. Trên một bông hoa thì 5 cánh có màu biến thiên tím nhạt/hồng/hồng phấn tùy cây, họng hoa to, tròn, mở rộng màu trắng phấn như vôi, trong họng có gân hồng. Bền khoảng 15-18 ngày.
Hoàng thảo Vôi là loại phong lan dễ trồng, ưa nắng khoảng 70% (dưới 1 lớp lưới đen), thường người ta ghép vào bảng dớn hoặc gỗ khúc (cách ghép ai chưa biết thì đọc lại bài
Hướng dẫn chi tiết cách ghép lan lên gỗ ), tuy nhiên trồng chậu với vỏ thông xơ dừa cũng tốt. Nên ghép vào mùa đông ở ngoài Bắc khi cây đang nghỉ, lá đã rụng nhiều, các mắt lúc này đang ngậm nụ bên trong đến khi chồi non chưa ra rễ (khoảng cuối tháng 11 đến tháng 4 dương lịch). Treo nắng dưới một lớp lưới từ khi bắt đầu ghép sẽ cho lứa cây con khỏe mạnh. Mua hàng cân về ghép trong mùa đông thì qua Tết âm gần nhất sẽ ra hoa, không cần can thiệp gì cả, cứ ghép xong treo vậy thôi.
Khoảng tháng 3 dương lịch, cây ra nụ cũng là lúc ở gốc các thân mẹ bật lên các chồi con. Đừng tưới quá nhiều nước cứ kệ mầm non ở gốc phát triển bình thường. Chưa cần bón các phân hóa học, thuốc kích thích hay treo phân chậm tan gì cả. Chỉ cần 2-3 ngày tưới nước vào gốc một lần, mầm non lúc đó vẫn ăn dinh dưỡng từ thân mẹ nên không lo mầm non bị thiếu nước hay phân gì cả. Nếu tưới nhiều và cho phân sớm có thể bị hỏng mầm non. Khi nào cây phân nụ, nhìn thấy rõ ràng nụ mọc dài ra rồi thì tưới thoải mái toàn bộ cây hàng ngày, đủ độ ẩm để đảm bảo nụ không bị teo. Cơ bản là cây đủ dinh dưỡng trong mùa sinh trưởng, cắt nước đúng lúc vào mùa nghỉ và đảm bảo chế độ hưởng nắng thì sẽ phát triển tốt và có hoa.
Sau kỳ hoa thì tới mùa sinh trưởng của các thân con. Khi nào mầm non ở gốc dài được 7-10 cm và rễ non ra dài 2-3 cm thì bắt đầu tưới phân để mầm non phát triển. Giai đoạn này chủ yếu bón phân giàu Đạm như NPK 30-10-10 hoặc 20-20-20 và B1 cho lan hàng tuần với liều lượng loãng hơn chỉ dẫn một chút cũng được (ví dụ đầu tuần phun NPK, giữa tuần phun B1), nếu không muốn tưới nhiều phân thì dùng phân chậm tan mua sẵn đựng trong các túi lưới, túi vải treo phía trên giò lan để khi tưới nước phân ngấm dẫn xuống. Các bạn ở vùng nông thôn có thể dễ dàng tìm phân trâu, bò, dê trộn ít vôi bột đem phơi khô, đóng túi vải rồi treo trên giò lan hoặc đặt ở mặt chậu, thực tế cho thấy sức phát triển của lan rất mạnh. Chăm bón đủ dinh dưỡng trong mùa sinh trưởng giúp cho các thân con trở thành cây trưởng thành, to dài.
Hoàng thảo Vôi nghỉ khá sớm, sớm hơn Phi Điệp, Hạc Vỹ chút. Vào khoảng đầu tháng 10 dương lịch ta đã thấy bắt đầu có hiện tượng thắt ngọn, đầu ngọn tròn túm lại, lá ngọn bé chứ không phát triển to ra, ta tưới thưa đi 3-4 ngày mới tưới một lần để cây rụng lá dần, đồng thời phun 3-4 lần NPK 10-30-30, mỗi lần cách nhau một tuần để cây tích đủ Lân hình thành hoa. Đến đầu tháng 12 dương cây đã rụng lá gần hết, dừng tưới nước hoàn toàn cho cây nghỉ, treo cây ra chỗ nắng sáng giúp kích hoa. Đến khoảng đầu tháng 2 dương lịch ta tưới nước một lần/ngày trở lại, chỉ tưới vào gốc, và mỗi tuần lại phun phân bón giàu Lân kích hoa (NPK 10-30-30) một lần theo chỉ dẫn trên nhãn, cỡ nửa tháng sau sẽ thấy nhú nụ. khi nụ bắt đầu nở thì dừng tưới để hoa lâu tàn hơn. Chơi hoa xong lại quay lại chu trình thời kỳ đã nêu bên trên để cây mẹ đã ra hoa lại đẻ lứa con mới. Đây là loại lan dễ trồng và rất đáng sưu tầm.
Trên đây tôi đã chia sẻ cách nhận biết, cách trồng và chăm sóc Hoàng thảo Vôi đến các bạn, nếu các bạn thấy nội dung bài viết có ích, xin ấn chia sẻ bài đăng này lên tường Facebook hoặc G+ của bạn để lưu lại đọc dần và cũng là sự động viên cho người viết chia sẻ thêm nhiều bài viết khác.
Ai có nhu cầu mua lan Hoàng thảo Vôi xin liên hệ Vũ Văn Ngọc 0943184225, địa chỉ: Số 15, ngách 62, ngõ 20 đường Mỹ Đình, Hà Nội (sau bến xe Mỹ Đình khoảng 500m). (Luôn gọi điện trước khi đến chắc chắn có nhà hoặc còn hàng)
Khách hàng ở xa chuyển khoản theo các Số tài khoản sau nhé:
VIETCOMBANK
STK: 0491000024971
Chi nhánh: Thăng Long
Chủ TK: Vũ Văn Ngọc
AGRIBANK
STK: 3100205406383
Chi nhánh: Từ Liêm
Chủ TK: Vũ Văn Ngọc
Ai thích copy bài này lên web của bạn thì thoải mái nhưng nhớ hãy dẫn nguồn:
http://www.phonglanrung.com/ vào cuối bài viết. Website này đã đăng ký DMCA (Digital Millennium Copyright Act) để bảo vệ quyền tác giả. Xin cảm ơn đã đọc bài và chia sẻ bài viết!
Không có nhận xét nào:
Cảm ơn bạn đã liên hệ cho Phonglanrung.com