Cách chăm sóc để Hoa lan hoàng thảo nở hoa dịp Tết

Cách chăm sóc để Hoa lan hoàng thảo nở hoa dịp Tết

Thưa các bạn, chúng ta đang sống trên quê hương của chi lan Hoàng thảo. Các nhà thực vật học đã nhận xét rằng, Đông Nam Á là quê hương của chi lan Dendrobium, mà chúng ta quen gọi là lan Hoàng thảo. Hoàng thảo là chi lan có số lượng cực kỳ lớn, và cực kỳ đa dạng (hơn 1600 loài), hầu hết nằm ở vùng Đông Nam Á. Riêng ở Việt nam đã có hơn 100 loài. Hoàng thảo có rất nhiều dáng đẹp, hoa đẹp: Có loài thì cao lớn, thẳng cứng như hoàng thảo Thái bình, chùm hoa to thưa thả xuống lả lơi. Có loài thì thanh mảnh, mềm mại, như Trúc mành, nhưng bông hoa thì tứ sắc, to bất ngờ so với cái dáng ẻo lả của "dây". Có loài thì ngắn tủn, ngộ nghĩnh, mà nở hoa thì hừng hực như lửa cháy: Đơn cam. Có loài thì dẹp lép, có loài thì lại phình to ra: Hoàng lạp. Có quá nhiều hình dáng cây, quá nhiều dạng hoa, màu sắc, khó mà tả xiết. Các loài Hoàng thảo thay nhau nở hoa quanh năm, liên tục trang điểm cho vườn hoa của chúng ta. Vậy, nếu chúng ta bỏ qua, không chơi lan Hoàng thảo thì thật là đáng tiếc. Có một số loài thường nở vào mùa Xuân, cũng không xa Tết lắm, nếu nó nở đúng ba ngày Tết thì thật là hay. Sau một số năm tìm hiểu về chi lan này, ở vườn trồng và ở trên rừng, tôi đã thí nghiệm điều khiển cho 1 số loài Hoàng thảo cho nở đúng Tết để đón Xuân. Theo yêu cầu của nhiều bạn yêu Hoàng thảo, muốn tìm hiểu, thử nghiệm ứng dụng. Tôi xin trình bày chia sẻ cùng các bạn những hiểu biết ít ỏi, và chút kinh nghiệm nhỏ bé của mình, để các bạn tham khảo, ứng dụng làm thử cho vui. Vì không phải là nhà chuyên môn, chỉ là những kiến thức tự học, phạm vi tìm hiểu, thí nghiệm còn hạn hẹp. Tôi xin dân dã, "thấy sao nói vậy", mong được các bạn vui lòng thông cảm. Chúng ta cùng bàn, cùng chơi cho vui vẻ. Các số liệu, kinh nghiệm... của tôi mới chỉ ở khí hậu Hà Nội. Các bạn ở những vùng khí hậu khác thì dựa theo nguyên lý này, rồi tự theo dõi, điều chỉnh lịch điều khiển cho phù hợp với khu vực mình. Còn nhiều loài, nhiều cách mà tôi cũng chưa tìm hiểu hết được. Nếu được các bạn cùng làm và cùng rút thêm kinh nghiệm để có nhiều thành công hơn, thì thật là mãn nguyện. Tôi mới tìm hiểu thử nghiệm được với một số loài Hoàng thảo, vì vậy ở phần này, chủ yếu là tôi phân tích đặc tính của cây mà chúng ta có thể tận dụng để điều khiển ra hoa, và cách làm cho nó ra hoa theo ý mình. Mấy loài này tôi đã có số liệu (ở khí hậu Hà nội) và kinh nghiệm cụ thể, xin trao đổi cùng các bạn:

- Long tu Lào
- Hoàng thảo U lồi
- Hoàng thảo Đùi gà
- Hoàng thảo Hạc vỹ

Cách chăm sóc để Hoa lan hoàng thảo nở hoa dịp Tết
Long Tu Lào
Cách chăm sóc để Hoa lan hoàng thảo nở hoa dịp Tết
Hoàng thảo U lồi
Cách chăm sóc để Hoa lan hoàng thảo nở hoa dịp Tết
Hoàng thảo Đùi gà

Cách chăm sóc để Hoa lan hoàng thảo nở hoa dịp Tết
Hoàng thảo Hạc Vỹ

Cũng xin nói thêm là: không phải loài Hoàng thảo nào cũng có thể cho nở vào Tết được trong cái rét của Hà nội và các tỉnh phía Bắc. Xin các bạn thông cảm.

I. Chúng ta cùng tìm hiểu về đặc tính của các loài Hoàng thảo nói trên:

1. Đặc tính NGỦ ĐÔNG của nhóm lan Hoàng thảo này

Khí hậu Việt nam thuộc vùng Nhiệt đới gió mùa. Một năm chia thành 4 mùa rõ rệt, và cây cối cũng thay đổi theo thời tiết rất linh hoạt:
- Mùa Xuân ấm, ẩm: cây cối đâm chồi nảy lộc, sinh sôi mãnh liệt.
- Mùa Hè nắng nhiều, mưa nhiều: cây phát triển mạnh, tích luỹ dưỡng chất.
- Mùa Thu mát mẻ, se khô, nắng nhẹ: cây tích luỹ dưỡng chất thêm, rồi chuyển sang củng cố hoàn thiện, rụng lá giảm thất thoát nước, chuẩn bị ngủ Đông.
- Mùa Đông giá rét, khô hanh, cây dừng trao đổi chất, "NGỦ" để giữ gìn năng lượng, chờ đến mùa Xuân sẽ sinh nở. Không phải loài Hoàng thảo nào cũng có tập tính như nhau, nhưng các loại mà chúng ta đang quan tâm đều có tập tính NGỦ ĐÔNG như vậy. Đây là yếu tố quan trọng nhất mà chúng ta quan tâm, để điều khiển nó cho ra hoa đúng Tết. (Ngoài 4 loại nói trên ra, còn nhiều loài HT khác cũng có tập tính này, các bạn đưa nó vào danh sách "Hoa Tết" đi, chúng ta tiếp tục làm thêm những loài mà tôi chưa có số liệu nhé.)

2. Sự TỰ LỰA HÌNH THỨC SINH SẢN của lan Hoàng thảo

Hoàng thảo là loại đa thân, trên mỗi thân (cành) thường chia nhiều đốt. Có loại chỉ có 3-4 đốt, như Vảy rồng, Đơn cam... . Có loại lại hàng chục đốt, như Long Tu, Hạc Vỹ, Phi Điệp Tím... . Tại những đốt này, sẵn có những tế bào sinh sản. Tuỳ theo điều kiện môi trường thay đổi, dẫn đến sự chuyển hoá hormon trong thân cây, sẽ dẫn đến sự phát triển cho ra hoa, hay cho mọc keiki ở các mắt này:
- Khi môi trường ẩm ướt, mưa nhiều, chúng nảy keiki để sinh trưởng phát triển thành cụm cây mới, ở gần quanh gốc cây cũ. Nó đã sinh sản VÔ TÍNH thành công.
- Khi khí hậu, môi trường bình thường, nó sinh sản HỮU TÍNH: ra hoa, tạo quả, rồi phát tán hạt đi rất xa, tìm tới những "chân trời" mới. Nếu gặp môi trường tương thích, các hạt sẽ nảy mầm rồi sinh trưởng, phát triển thành những cụm cây mới. Cây lan đã có sẵn 2 phương án duy trì nòi giống thật "thông minh" phải không các bạn: nếu môi trường sống đang tốt thì: "đẻ" vô tính luôn. Nếu "đi" chổ khác mà tốt hơn thì đẻ hữu tính: "di cư". 

3. Tận dụng 2 hình thức sinh sản của lan Hoàng thảo

Nếu hiểu, và tận dụng 2 khả năng sinh sản này của chúng, thì chúng ta sẽ chọn được 2 kết quả tuyệt vời:
- Để nhân giống vô tính: cho ra hàng chục keiki từ 1 cụm mua về. (Hay chỉ từ 1 đoạn thân Phi Điệp, Trầm ... xin được của anh bạn, là có 1 chậu rồi).
- ĐỂ CÓ KEIKI: bạn để ở môi trường ẩm ướt, tưới nhiều lần vào thân giả hành, (chứ không phải là vào gốc đâu nhé) Nếu có xử lý thêm chút chất kích thích, thì kết quả được nhiều keiki hơn.
- ĐỂ CÓ NHIỀU HOA: thì làm ngược lại, chớ có dại mà tưới và bón phân vào thân giả hành, và đừng để ở nơi ẩm ướt. Phải che mưa tuyệt đối. Không cho mọc keiki. (Xin các bạn lưu ý điều này, vì đã có nhiều bạn hỏi tôi rằng tại sao Hoàng thảo của bạn ấy ra ít hoa, mà lại ra nhiều keiki).

4- Điều kiện môi trường mà Hoàng thảo ưa thích

Tôi đã mò mẫm lên rừng, leo lên cây, bới gốc nó ra, để tìm hiểu nó: Nó thường bám ở trên cành DỐC, CAO, chót vót trên những cây to cao, có tán lá lưa thưa che hộ bớt nắng. Trong khu rừng già ẩm ướt. Đứng ở dưới đất nhìn lên, trông giống như những tổ chim nhỏ, vì cao quá . Thế thì: nó ưa ẩm mát (đương nhiên rồi). Ưa sáng 50-70%. Ưa gió. Nhưng... đây mới là vấn đề mà chúng ta cần chú ý: Thoát nước nhanh, ráo nhanh (cành cây cao, dốc): NÓ RẤT KỴ BỊ ƯỚT LÂU. Đây là BÍ QUYẾT ĐỂ TRỒNG HOÀNG THẢO, xin các bạn lưu ý. Vậy là chúng ta hiểu về các đặc tính của Hoàng thảo rồi. Tiếp theo là vấn đề nuôi trồng chúng.

II. ĐÔI CHÚT KINH NGHIỆM TRỒNG VÀ CHĂM SÓC LAN HOÀNG THẢO

Như trên chúng ta đã tìm hiểu: Hoàng thảo ưa ẩm, nhưng rất kỵ ướt lâu.
- Với những vườn ở dưới đất, ẩm mát, thì lý tưởng rồi: nên ghép lên những khúc cây, tưới hàng ngày. Nhưng vẫn PHẢI CHE MƯA DẦM, nếu không thì HT vẫn có thể bị thối chết, đặc biệt là khi đang mọc các cây con. Có thể nói: BÍ QUYẾT ĐỂ TRỒNG THÀNH CÔNG HOÀNG THẢO LÀ...CHE MƯA DẦM. Có bạn nói không cần che, chỉ căng lưới, tuy nhiên chắc chắc nếu trồng nhiều thì vẫn thối một số và không chữa nhanh còn thối nhiều nữa. Và chú ý chống mọc keiki vào mùa nó ngủ và thời kỳ sắp ra hoa, vì sẽ kém hoa. Cần treo cao cho thông thoáng, có gió.
- Với đa số các vườn là trên sân thượng, đặc biệt là ở trong thành phố, thường có độ ẩm không đủ yêu cầu của cây: nên trồng trong chậu để có điều kiện tích ẩm. Nếu trong chậu bị khô quá, hoặc nấm ăn chết rễ, thối rễ, thì... nó sẽ mọc cây ky.
* Với cây thân thòng: bạn có thể trồng kiểu "cửa sổ", hoặc treo chậu nghiêng đi, để cây thả xuống cho đẹp. (Như kiểu chậu Long tu, U lồi ở ảnh trên)
* Với cây đứng thẳng: bạn trồng nổi trên mặt chậu như bình thường.

1. CÁCH TRỒNG CHẬU MÀ TÔI VÀ CÁC BẠN LAN ĐÃ ÁP DỤNG THÀNH CÔNG

- Kiểu cửa sổ: Dùng cưa sắt, hoặc mỏ hàn mà khoét cửa sổ bên thành chậu. Khoét thêm những lổ thông khí ở xung quanh và phía sau. Để chặn ở cửa sổ và có chổ buộc cấy cây vào: hoặc xẻ mỏng 1 miếng Dương xỉ thưa, hoặc căng dây cước, hoặc dùng lưới inox, lưới nhựa..., hoặc mấy khúc que gỗ chắc dựng vào. Trong đó nên bố trí giá thể như sau: * Vùng sát gốc cây là 2-3 cm Dương xỉ rời (để chóng khô gốc).* Lót đáy là một lớp các cục xỉ than già, to 4-6 cm. * Chỉ cho các cục xơ dừa già, hoặc rêu... từng dúm, cách đoạn, ở quanh sát chậu, để tích ẩm, giữa chậu chỉ cho than hoa và Dương xỉ cho thoáng. Cứ thế 2-3 lớp Than + DX, cách 1 lớp thì cho 1 vành lớp tích nước. * Trên cùng rãi 1 lớp DX rời 3-4 cm để chống mọc meo. Có thể trồng cả trên mặt này.
- Kiểu trồng trên mặt chậu: Dùng 1 khúc gỗ ngắn, loại gỗ bền (nhãn, săng lẻ...), buộc ghì gốc cây vào đó. * Đáy chậu cho 1 lớp xỉ than già, rồi gác kê khúc gỗ vào chậu cho hơi dốc. * Rải các lớp giá thể theo nguyên tắc như trên. Riêng vùng sát khúc gỗ thì chỉ cho DX rời 1-2 cm để thoáng khí, mau khô. Với kiểu trồng này, rễ cây luôn đủ hơi ẩm, nhưng rất mau khô sau khi tưới, vậy là hợp với sở thích của HT rồi, dù là trên sân thượng rất thiếu ẩm, mà ko phải tưới nhiều (điều mà HT không thích) [:p].

2. CHĂM SÓC LAN HOÀNG THẢO

- Với cây mới ghép: Bạn nên tưới 1 lần/ngày, vì rễ cây chưa có, mà lớp mặt rất mau khô, che nắng chỉ còn 30-40 %. Cho đến khi rễ đã xuyên xuống 3-4 cm, thì chuyển sang chế độ bình thường: - Bình thường: 2-3 ngày mới tưới 1 lần. Đã tưới thì tưới cho đầm đìa, đủ thời gian cho nước thấm vào no chất tích ẩm. Không được tưới vặt, chỉ làm cho HT khó chịu thôi. Với cây mới ghép (sau vài ngày đã ổn định), cũng nên bồi bổ bằng B1. Khi rễ đã phát triển khá, bạn rắc vài hạt phân tan chậm hoặc bón phân gia súc đã ủ. Xong, rất nhàn, mà cây lại tươi tốt.

CÁC CHÚ Ý KHÁC:
- Nếu không CHE MƯA DẦM: bạn chỉ còn an toàn 10%, thậm chí là 0%.
- Nếu TƯỚI nhiều vào thân giả hành khi cây đã rụng lá: bạn sẽ dùng để nhân giống vô tính, vì nó sẽ cho bạn nhiều keiki hơn là cho hoa.
- Trồng chậu phải tưới thuốc CHỐNG NẤM định kỳ, nếu không: nấm trong chậu sẽ "xơi" hết bộ rễ.
- Nên chọn mùa Đông hoặc mùa Xuân mà trồng Hoàng thảo "Hoa Tết", vì khi thức dậy, nó vừa ra hoa, vừa mọc rễ và cây con, phù hợp với chu kỳ sinh lý của cây và khí hậu tự nhiên. (Ở đây, chúng ta luôn hiểu là chung cho HT "Hoa Tết" thôi. Còn rất nhiều loài khác biệt, chúng ta sẽ tìm hiểu riêng nhé).

III. VỀ SỰ LỰA CHỌN LOÀI HOÀNG THẢO ĐỂ CHO RA HOA ĐÚNG TẾT

Như trên chúng ta đã tìm hiểu về chu kỳ mùa vụ, và tập tính ngủ Đông của 1 số loài HT. Bây giờ, chúng ta tìm cách tạo "MÙA KHÔ NHÂN TẠO" sớm hơn thời tiết tự nhiên, để CHO CÂY NGỦ SỚM HƠN. Rồi chúng ta tác động cho nó THỨC DẬY SỚM HƠN, để ra hoa vào Tết theo ý mình. Tôi đã thí nghiệm "ép" một số cây ra hoa trái mùa nhiều tháng, nhưng thường rất tốn kém (chủ yếu là cho sưởi ấm và chiếu sáng thêm), mà chất lượng hoa không cao.( Các bạn ở phía Nam có thời tiết ấm áp có thể thuận lợi hơn.) Do đó, chúng ta chỉ nên điều khiển cây ra hoa trong một khoảng thời gian lệch đi vừa phải, không nên quá 2 tháng. Tức là, chỉ nên chọn những loài thường ra hoa vào mùa Xuân, trong khoảng chưa quá tháng 2 Âm lịch. Tôi mới có số liệu cụ thể, tại HN, cho 4 loài HT nói trên. Còn trong dự kiến làm tiếp thì có các cây sau: - Kim điệp Giấy - Kim điệp thơm (hoa vàng, cánh dày, hình sao, có hương thơm) - Ngọc thạch, Ý thảo - Kiều vuông - Kiều các loại. - Hoàng lạp...(Chú ý là không tính Kim Điệp Xuân, Long Tu Xuân, Kiều Vuông xuất xứ Lâm Đồng, các loại này vốn nở hoa sớm hơn xuất xứ nơi khác)

1. KINH NGHIỆM CHỌN MUA HOÀNG THẢO "HOA TẾT"

Người mua Lan thường mua theo kiểu "sướng con mắt", thích nhiều chồi non, lá xanh tươi... Nhưng, để mua Hoàng thảo cho ra hoa Tết thì khác: Cần chọn cây đã phát triển đầy đủ, không cần cây non, các thân trưởng thành đã trụi sạch lá.
- Nên mua những gốc to, có nhiều giả hành tơ đầy đặn (chưa ra hoa, vì nó còn khả năng ra hoa, và sung sức nhất). Nếu được gốc đã ngủ lâu, rụng trụi sạch lá thì càng tốt.
- Nên mua vào mùa Đông hoặc đầu Xuân, khi cây đã ngủ rồi, đem về trồng 1-2 tuần thì đánh thức nó dậy (theo lịch cho từng giống khác nhau). Nó sẽ mọc rễ, nảy chồi, và ra nụ cho hoa Tết năm nay, vừa khớp luôn với chu kỳ sinh trưởng và phát triển trong năm sau.
- Mua về, cắt bớt rễ đi, chỉ để dài 0.5-2 cm, vặt trụi lá, ngâm toàn bộ cây vào thuốc trừ nấm bệnh (như Physan 20SL, Ridomil) luôn, tầm 1-2 tiếng vớt ra.
- Phun thuốc trừ nấm bệnh vào giá thể, chậu, trước 1 ngày cho ráo, rồi trồng cây vào, để nơi ẩm mát, không tưới vài ngày, hoặc chỉ phun sương cho ẩm mát, đợi tới ngày đánh thức nó dậy.

2. KINH NGHIỆM CHO HOÀNG THẢO NGỦ SỚM

Phần trên, tôi đã phân tích đặc tính chu kỳ ngủ Đông của Hoàng thảo, và cách cho nó ngủ sớm rồi đánh thức nó dậy sớm, để cho ra hoa đúng Tết. Bây giờ, chúng ta đi vào việc cụ thể:

2.1. ĐIỀU KIỆN CỦA TRẠNG THÁI CÂY CÓ THỂ CHO NGỦ SỚM

NGỦ: là trạng thái dừng lại của cây, thích nghi với khí hậu tự nhiên tại nơi nó sinh sống. Vì vậy, nếu không có tác động điều khiển của chúng ta, thì nó ngủ vào những thời điểm khác nhau, tuỳ theo vùng, theo năm. Lúc này, cây không sinh trưởng nữa (không nảy chồi cây mới), không phát triển cây non nữa. Để chống chọi với mùa khô, nó tự rụng bớt lá để chống thất thoát nước, vỏ thân giả hành dày lên, nhẵn bóng hơn, cứng hơn. Sự trao đổi chất dừng lại ở mức tối thiểu. --> Vì vậy, chỉ nên cho HT ngủ KHI CÁC GIẢ HÀNH ĐÃ TRƯỞNG THÀNH HẾT. * CÁCH NHẬN BIẾT LÚC CÁC GIẢ HÀNH TRƯỞNG THÀNH: các lá đỉnh nhỏ dần, rồi không mọc lá đỉnh nữa, đầu ngọn thân tròn lại (thắt ngọn). Thân giả hành khô dần đi, cứng bóng hơn, phình to hết mức. (Nếu khi mới mua, mà gốc có nhiều giả hành bánh tẻ đã trưởng thành, thì có thể cho nó ngủ, các cây con sẽ chột đi, sang năm sau sẽ mọc lớp cây mới.)

2.2. CÁC BƯỚC CẦN LÀM DẦN DẦN ĐỂ CHO HOÀNG THẢO NGỦ SỚM

Như tôi đã phân tích chu kỳ của Hoàng thảo, bạn cần tạo "MÙA KHÔ NHÂN TẠO" để cây chuyển đổi trạng thái, nhưng KHÔNG NÊN ĐỘT NGỘT, cây không kịp thích ứng, bị sốc, sẽ không hay. Mà nên thay đổi dần dần:
- Cuối mùa Thu ở HN (đầu tháng 11 dương lịch, lúc này vẫn chưa có đợt lạnh nào đáng kể), không bón phân nhiều đạm, tuyệt đối tránh các chất kích thích sinh trưởng, B1..., hạn chế tưới dần, rồi bón 1-2 lần loại phân nhiều Lân (10-55-10 hay 3 lần NPK 10-30-10), để cây chuyển sang trạng thái hoàn thiện giả hành, trong độ 2-3 tuần.
- Tiếp theo, hạn chế tưới đến mức tối thiểu, che mưa tuyệt đối. Cây sẽ tự vàng rụng lá dần, chuyển sang trạng thái ngủ Đông. HẠN CHẾ TƯỚI ĐẾN MỨC TỐI THIỂU là như thế nào: là chỉ tưới vừa đủ để cây không bị chết rễ: Ở vườn dưới đất, rất ẩm mát: không tưới, hoặc chỉ phun sương vào gốc cho những ngày nắng. Ở vườn trên sân thượng, gió khô, ghép trên khúc gỗ, không có sự tích ẩm cho gốc: 2 ngày/lần. Nếu trồng chậu có tích ẩm nhiều: 4-7 ngày/lần (chỉ tưới vào chậu, không được làm ướt giả hành, sẽ mọc keiki) Tuỳ cụ thể cách trồng, môi trường vườn nhà, và thời tiết, các bạn điều chỉnh tưới cho phù hợp.
XIN CÁC BẠN CHÚ Ý THÊM: TUỲ TỪNG LOÀI MÀ CÓ CHẾ ĐỘ HẠN CHẾ TƯỚI TƯƠNG THÍCH:
- Loài mọc trên cành cây cao trong rừng như Đùi gà... thì tưới tối thiểu, giữ khô nhất, nhưng loài mọc dưới thấp như kiều... thì hạn chế tưới vừa phải, để nó không bị quắt cây.
- Mức độ rụng lá của từng loài khi ngủ có khác nhau, không phải loài nào mình cũng ép cho nó rụng hết lá: Long tu, Hạc Vỹ, Phi Điệp Tím... thì rụng sạch lá, Đùi gà thì rụng lá 90%, Kiều Vuông thì hầu như không rụng lá,...

2.3. CHĂM SÓC CHO LAN HOÀNG THẢO NGỦ

- Theo dõi, quan sát rễ mà tưới. Không để chết rễ hoặc quắt giả hành.
- Hạn chế tưới đến mức tối thiểu (phù hợp cho từng loài). Không tưới ướt giả hành.
- Che mưa tuyệt đối.
- Che nắng giữ ở 60-70% để khỏi chết rễ và khô quắt giả hành.
- Đề phòng Kiến hoặc côn trùng, nấm bệnh. Để cho tiện, bạn có thể đưa vào hiên nhà, góc có mái che... CẦN CHO HT NGỦ TỐI THIỂU LÀ 1 THÁNG. NẾU ĐƯỢC 2 THÁNG THÌ TỐT NHẤT. Như vậy, chậm nhất là đầu tháng 10 âm bạn phải bắt đầu "làm thủ tục" cho Lan Hoàng thảo chuyển dần sang trạng thái ngủ, để cuối tháng 10 âm là nó được ngủ ngon giấc rồi. Bình thường thì bạn nên bắt đầu làm từ Rằm tháng 9 âm là vừa đẹp theo thời tiết mùa Thu, để nó ngủ được 2 tháng, mình cũng nhàn.(Hôm nay là 01/10 Âm lịch, các bạn còn đủ thời gian để tiến hành chuẩn bị cho Hoàng thảo ngủ)

2.4. PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH THỨC HOÀNG THẢO VÀ CHĂM SÓC CHO RA HOA ĐÚNG TẾT

Mỗi loài Hoàng thảo có thời gian nuôi nụ khác nhau. Lại nữa: ở mỗi vùng khí hậu khác nhau, nó lại chênh lệch nhiều, càng ấm thì nụ lớn càng nhanh. Vì vậy, các bạn cần theo dõi để có số liệu về thời gian nuôi nụ, rồi mới xác định được ngày đánh thức nó hợp lý được. Các số liệu của tôi ở đây, là theo dõi tổng kết ở khí hậu Hà Nội, mới có cho 4 loài. Các bạn ở phía Nam cần lùi thời điểm đánh thức Hoàng thảo lại cho hợp lý (chắc cần lùi lại độ 5-10 ngày, tuỳ cho từng loài).

2.4.1. CÁCH TÍNH THỜI ĐIỂM BẮT ĐẦU ĐÁNH THỨC CÂY
a) Thời gian đánh thức (gọi là TGđt): Tính từ lúc chúng ta bắt đầu tưới-bón-kích hoa cho đến khi nhú nụ 2 mm. Tôi thí nghiệm thấy thời gian đánh thức mất 5-7 ngày.
b) Thời gian nuôi nụ (gọi tắt là TGnn): Chúng ta phải theo dõi, ghi lại 2-3 năm để có số liệu này. Từng vùng khí hậu sẽ có khác nhau, cây mới trồng khác với cây đã ổn định ở vườn mình, ở nơi ấm nóng thì sẽ ngắn hơn nơi lạnh nhiều, có tăng chiếu sáng và sưởi ấm sẽ rút ngắn thời gian lại.(Chúng ta cũng dùng cách này để điều khiển cho nhanh chậm vài ngày theo ý mình). Thời gian nuôi nụ được chọn tính từ lúc bắt đầu nhú nụ ra bằng nửa hạt gạo (2 mm), cho đến lúc nở hoa, ở mỗi loài có khác nhau. Tôi theo dõi thấy từ 23- 45 ngày, tuỳ loài.
c) Thời gian bắt đầu đánh thức: TGbđ = TGnn + TGđt => TGnn + (5-7) = 28-52 ngày, tuỳ theo từng loài. Ví dụ: U lồi có thời gian nuôi nụ là 45 ngày (khu vực phía Bắc), cộng thêm thời gian đánh thức là 5-7 ngày. Vậy tổng thời gian từ khi BẮT ĐẦU ĐÁNH THỨC đến khi nở hoa là 50-52 ngày. Từ thời điểm chọn cho hoa nở (thường chọn là Mùng 1 Tết âm), tính lùi lại mà xác định thời điểm bắt đầu đánh thức. Chú ý là theo Âm lịch, từng năm lịch có thể có thay đổi.

2.4.2. CÁC CÔNG VIỆC CẦN LÀM ĐỂ ĐÁNH THỨC HT
a) Tạo ra "Mùa Xuân nhân tạo" ấm + ẩm cho nó:
- Tưới trở lại bình thường, để rễ cây hút được nhiều nước (nhưng đừng tưới ướt thân giả hành nhé, nó sẽ mọc keiki thay vì nở hoa đấy)
- Tăng cường ánh sáng tối đa, tạo sự ấm áp: đưa ra ánh nắng nhẹ (các bạn ở phía Nam có thể phải che bớt nắng), nếu trời lạnh và âm u quá thì nên treo 1 bóng đèn tròn 60-100W cách độ 60 cm để tăng ánh sáng và sưởi ấm luôn, ngày bật, tối tắt. (Hoặc dùng đèn ống, loại cho chiếu sáng vườn cây, bể Thuỷ sinh).

b) Dùng chất kích thích và phân bón để đánh thức cây dậy:
- Bón phân giàu Lân, Kali: 15-30-15 (hoặc 6-30-30): 0,2-0,3g/Lít, vào rễ (KHÔNG ĐƯỢC PHUN VÀO THÂN GIẢ HÀNH nhé) cho cây phục sức nhanh, cho hoa đẹp, bền hơn. Bón phân ra hoa: 3-4 ngày/lần trong thời gian đánh thức (sẽ là 3 lần, kể cả lần đầu tiên), sau đó 1 tuần/lần trong thời gian nuôi nụ, chỉ kéo dài đến lúc nụ gần nở thì thôi. Nếu ở nơi nắng nóng thì cần giảm liều bón, vì quá nhiều phân có thể nóng xót, gây hại hoa. CHỚ DÙNG CHẤT KÍCH THÍCH SINH TRƯỞNG (như Auxin, Kelpak, Rootplex...) vội nhé, sẽ hỏng hoa đấy.
- Dùng chất kích thích để đánh thức cây dậy: ANTONIC là hợp chất Nitro thơm, có tác dụng phá vỡ trạng thái ngủ nghỉ của cây, kích thích mọc rễ, ra hoa trái mùa, túi 10 ml, giá vài nghìn. Để đánh thức Hoàng thảo: 2-3 lần (kể cả lần đầu tiên), 3 ngày/lần. Pha với tỉ lệ 10-15 giọt cho 1 Lít nước (dùng kim tiêm Y tế hút 0.5ml Atonik hòa 1 lít nước). Phun vào cây và tưới vào chậu (thay 1 lần tưới nước). Khi thấy cây có chuyển đổi thức dậy rồi (mắt sưng to lên, nhú chồi nụ) thì phải thôi dùng Antonic (nhiều quá cũng hại cây). Nếu pha chung với phân bón thì không được phun vào thân giả hành. Xin các bạn chú ý: ANTONÍC có tác dụng rất mạnh, dùng quá liều sẽ hại cây, vì vậy: CẦN ĐONG ĐO CHÍNH XÁC, CẨN THẬN. 

2.4.3. LỊCH ĐÁNH THỨC HOÀNG THẢO Ở CÁC TỈNH PHÍA BẮC
Tôi mới có số liệu thời gian nuôi nụ của 4 loài, đang tiếp tục theo dõi các loài khác, mong được các bạn cộng tác để có số liệu cho sang năm và các loài khác:
- U lồi: TGnn 45 ngày + TGđt 7 ngày = 52 ngày --> Bắt đầu đánh thức: 09/11/2017 âm (tức 26/12/2017 dương)
- Hạc vỹ: TGnn 40 ngày + TGđt 6 ngày = 46 ngày --> Bắt đầu đánh thức: 15/11 âm (tức 01/01/2018 dương)
- Đùi gà: TGnn 30 ngày + TGđt 6 ngày ;= 36 ngày ;--> Bắt đầu đánh thức: 25/11 âm (tức 11/01/2018 dương)
- Long tu: TGnn 25 ngày + TGđt 6 ngày = 31 ngày --> Bắt đầu đánh thức: 30/11 âm (16/01/2018) (Mùng 1 Tết = 16/2/2018 dương). Nếu trời ấm, thì các bạn đánh thức muộn lại cỡ 3 ngày nhé. Tuy nhiên nên đánh thức sớm hơn lý thuyết một chút, nở sớm 1 chút cũng được, mấy loại trên hoa cũng bền được 15-30 ngày, để ngày Tết có hoa lan nở.

2.4.4. CÁCH ĐIỀU TIẾT CO DUỖI THỜI GIAN NUÔI NỤ ĐỂ CHO NỞ HOA THEO Ý ĐỊNH
Như tôi đã phân tích cách tạo "mùa Xuân nhân tạo" ở trên, nếu bạn sưởi ấm thì tốc độ lớn của nụ rất nhanh, rút ngắn thời gian nuôi nụ. Ánh nắng nhẹ cũng có tác dụng kích thích cho nhiều hoa và rút ngắn thời gian nuôi nụ. Tuỳ sự nhanh chậm lớn của nụ mà các bạn tăng giảm nhiệt độ và ánh sáng để điều chỉnh thời gian nuôi nụ để có thời điểm nở như ý. Nhưng cũng chỉ nhanh chậm hơn được vài ngày, vì vậy việc theo dõi để có số liệu TGnn là quan trọng nhất, các bạn cần lưu ý.

Thưa các bạn, phương pháp này và các số liệu của tôi mới theo dõi được vài năm, chưa thể hoàn thiện được. Luôn mong được các bạn cùng cộng tác thử nghiệm, để chúng ta cùng đạt tới kết quả cao hơn, mang lại niềm vui tinh thần sảng khoái cho mỗi gia đình trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Chúc các bạn thành công như ý.

Nguồn: DLR


Nếu các bạn thấy bài viết có ích, vui lòng ấn nút Chia sẻ (Share) trong ô màu đỏ ngay dưới bài viết này, chọn Facebook hoặc Google+ để chia sẻ bài viết lên tường của bạn, dùng để tra cứu lại khi cần. Xin cảm ơn
Share this article :

8 nhận xét:

  1. Vậy ở miền nam nên cắt nước cho hạ vỹ mà long tu vào tháng mấy âm lịch ak

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Miền nam hầu như nóng quanh năm ko phân chia nóng lạnh rõ rệt như miền bắc nên trồng lan rừng có khó hơn miền bắc, những tháng có nhiệt độ thấp nhất là tháng 12, 01,02 dương nên bạn cũng cho cây nghỉ vào thời gian này. Mà bạn nên trồng các loại lan công nghiệp hợp với xứ nóng, như mokara, dendro nắng

      Xóa
  2. Hạc vỹ thì hoa đc khoảng bao nhiêu ngày vậy ạ.

    Trả lờiXóa
  3. 15-20 ngày bạn ạ, hoa dính mưa hoặc dính phân thuốc hoặc cây yếu thì tàn nhanh hơn

    Trả lờiXóa
  4. Muốn hạt vỹ đài loan cho hoa tết thì tháng mấy mình cắt nước, mình ở khánh hòa

    Trả lờiXóa
  5. e đọc xong mà thấy khó thuc hien qua

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. BÀi viết để tham khảo thôi, tốt nhất là để hoa nở đúng mùa nhé bạn, không cần ép

      Xóa

Cảm ơn bạn đã liên hệ cho Phonglanrung.com

Giới thiệu về Phonglanrung.com

Xin chào các bạn!

Phonglanrung.com là địa chỉ bán HOA LAN trực tuyến uy tín hàng đầu hiện nay, website ra đời để cung cấp các loại lan rừng đẹp đến với người yêu hoa lan cả nước. Chúng tôi bán lan với đầy trách nhiệm, trao đổi cách trồng lan rừng và coi khách hàng như những người bạn, đổi lại chúng tôi nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các bạn với hàng nghìn lượt truy cập website mỗi ngày.

Tại sao Phonglanrung.com được đông đảo người chơi lan cả nước gắn bó, ủng hộ?

- Chúng tôi cam kết ảnh hàng đăng bán là ảnh chụp thực tế mỗi chuyến hàng về, không lấy ảnh chụp thực tế của bất kỳ ai khác. Không ai có thể nhận ảnh cây thực tế đăng trên website Phonglanrung.com là ảnh của họ.

- Không như các nơi khác, Phonglanrung.com hiện nay luôn công khai giá bán áp dụng cho mọi khách hàng, đảm bảo công bằng, minh bạch, không thể xảy ra tình trạng “nhìn mặt bán hàng”, không có chuyện mỗi khách mua một giá.

- Chúng tôi sẵn sàng đổi trả lại tiền hoặc cây lan khác cho người mua nếu lỡ mua/chuyển nhầm loại lan. Bạn đã chuyển tiền nhưng sau khi chúng tôi kiểm tra lại hết hàng, chúng tôi chuyển trả lại tiền cho bạn hoặc giữ tiền lại để gửi hàng lại vào chuyến sau, hoàn toàn tùy theo ý muốn của bạn. Có bất cứ vấn đề gì chưa hài lòng, bạn cứ liên hệ lại để trao đổi, chúng tôi là người bán hàng có trách nhiệm.

- Website có mục hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc lan cho các khách hàng mới chơi lan nghiên cứu, xem tại: Cách trồng hoa lan

- Giao hàng qua xe khách từ Lạng Sơn hoặc chuyển phát nhanh toàn quốc. Đóng hộp carton đục lỗ cẩn thận đảm bảo thông thoáng.

- Thái độ bán hàng thân thiện, dễ tính, thoải mái như anh em, bạn bè.

Đừng lăn tăn nữa, nếu các bạn thấy hoa lan mới về đăng trên web, hãy liên hệ ngay cho 0374 553 533 nhé.


Khách hàng ở xa thì đặt hàng và chuyển khoản đến các Số tài khoản sau, nhận được tiền tôi sẽ gửi hàng cho quý khách, tôi bán hàng uy tín chất lượng, không nhận gửi COD để tránh bom hàng:

AGRIBANK
STK:3100205349809
Chi nhánh: Từ Liêm, HN
Chủ TK: Cam Khánh Trình

VIETCOMBANK
STK:0011004114154
Chi nhánh: Tây Hồ, HN
Chủ TK: Cam Khánh Trình

VIETINBANK
STK: 104868045780
Chi nhánh: Lạng Sơn
Chủ TK: Cam Khánh Trình

BIDV
STK:35110000524270
Chi nhánh: Lạng Sơn
Chủ TK: Cam Khánh Trình

PHONG LAN RỪNG - NƠI BÁN HOA LAN UY TÍN

Chat FB

 
Copyright © 2010. All Rights Reserved
Template Created by Phong Lan Rừng