Lan Cù Lao Minh tên khoa học là Christensonia Vietnamica (một lần nữa mình nhắc các bạn chơi lan nên nhớ tên khoa học để đỡ nhầm lẫn), còn gọi là lan Uyên Ương, Bạch Môi (do môi hoa màu trắng), nhưng tên Cù Lao Minh là phổ biến nhất, đại đa số gọi như vậy. Cù Lao Minh là biệt danh của Nguyễn Văn Để, người mang lan đi triển lãm.
Điều đặc biệt, lan Cù Lao Minh là một loài lan đặc hữu quý hiếm của Việt Nam, được phát hiện vào năm 1993 do Jiri Haager - một khoa học gia Tiệp Khắc tìm thấy tại vùng núi Chúa, tỉnh Ninh thuận (Phan Rang). Loài lan này còn mọc trong tự nhiên ở một số vùng tại tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên.
Năm 1993 ông công bố với tên Christensonia vietnamica, một loài lan mới để vinh danh tiến sĩ Eric Christenson và quốc gia Việt Nam. Eric Christenson là một khoa học gia Hoa Kỳ (từ trần năm 2011) người đã cống hiến cho giới khoa học những định luật về phân loại các loài, các giống hoa lan. Cây lan được vinh dự mang tên ông là một cây lan đặc hữu của Việt Nam và có chỉ một giống duy nhất trên thế giới.
"Đặc hữu là một tình trạng trong sinh thái học khi một sinh vật chỉ sinh sống tự nhiên ở một vị trí địa lý nhất định, ví dụ như một hòn đảo, quốc gia hoặc một khu vực nhất định khác, hoặc một dạng sinh cảnh nào đó; sinh vật là loài bản địa của một nơi nào đó thì không phải loài đặc hữu nếu như nó cũng xuất hiện ở nơi nào đó khác. Nghĩa ngược lại của đặc hữu là phân bố toàn cầu". Còn theo Luật đa dạng sinh học của Việt Nam: "Loài đặc hữu là loài sinh vật chỉ tồn tại, phát triển trong phạm vi phân bố hẹp và giới hạn trong một vùng lãnh thổ nhất định của Việt Nam mà không được ghi nhận là có ở nơi khác trên thế giới".
Do vậy, ta có thể thấy được Cù Lao Minh là một loại hoa lan đặc biệt mà chỉ Việt Nam mới có trong tự nhiên, không một quốc gia khác có (mấy năm gần đây Thái Lan có lấy giống từ VN về cấy mô thôi), ngay cả cái tên khoa học cũng được đặt là Christensonia Vietnamica, khi đọc lên nghe thật tự hào và hãnh diện, cũng giống như cây Hài Bóng Paphiopedtlum vietnamense.
Về đặc điểm hình thái, điều đầu tiên ta cần biết lan Cù Lao Minh là loài phong lan đơn thân có kích thước nhỏ bé, giống kiểu Trứng Bướm, Hỏa Hoàng, đừng có xem chụp cận cảnh tưởng nó to lắm, loại này thân tròn nhỏ gần bằng cái đũa, nếu trồng vườn nhà lâu rồi thì thường cao 20-30 phân còn hàng rừng mới khai thác hiện tại ít gặp được cây dài thế vì khai thác gần cạn kiệt, nhưng thân dưới 10cm cũng đủ trưởng thành để ra hoa rồi. Rễ Cù Lao Minh trung bình bằng cái ngòi bi và loại này rất nhiều rễ, mọc um tùm chằng chịt, nhìn giò làn toàn rễ là rễ, rễ nhiều hơn lá. Lá mỏng nhưng cứng, mọc so le 2 bên thân, lá dài trưởng thành dài khoảng 8-13 cm, rộng 1 - 1.5 cm.
Cách trồng lan Cù Lao Minh
Cù Lao Minh là loại lan dễ trồng và thuần dưỡng. Trong tự nhiên, lan Cù Lao Minh được tìm thấy ở những cánh rừng khô và thấp, độ cao dưới 700m so với mặt nước biển, và những vùng rừng tương tự thảo nguyên. Do vậy trồng loại lan này ở thành phố sống và ra hoa không có gì là khó. Có thể trồng chậu gỗ mà không cần giá thể (kiểu này với điều kiện vườn ẩm) hoặc nửa chậu đất nung là giá thể dớn cục/dớn bảng chặt cục cỡ quả trứng gà hoặc dớn vụn; hoặc ghép vào khúc gỗ lũa nhỏ rồi đặt vào lòng chậu gỗ/chậu đất nung, hay ghép lên gỗ lũa và treo thẳng lên giàn. Chú ý là khi ghép/trồng ta phải cố định các thân Cù Lao Minh chắc chút. Cây chịu ánh sáng trung bình, vậy nên trồng dưới 1 lớp lưới, treo xa lưới và gần mặt đất hơn để có bộ rễ nhiều.
Cách chăm sóc Cù Lao Minh
Vì là lan đơn thân không có mùa nghỉ rõ rệt, lại không rụng lá vào mùa thu đông như hoàng thảo nên đối với khu vực miền bắc và bắc trung bộ, vào mùa hè (tháng 4 đến hết tháng 9 dương) các bạn cố gắng giữ môi trường ẩm đều liên tục (đủ nước chứ ko đến nỗi gây úng, tùy kinh nghiệm và tiểu khí hậu nơi trồng hôm đó mưa hay nắng nóng mà bạn tưới hay không, tưới thì bao nhiêu lần) thì cây sẽ sung, phát triển mạnh hơn. Sang mùa thu đông (tháng 10 đến hết tháng 3 dương lịch) trời chuyển lạnh và hanh khô, khoảng 3 ngày ta lại nên tưới một lần, đừng để cây khô hạn rụng lá. Đối với Nam Trung bộ và miền Nam, nhiệt độ quanh năm thường trung bình khoảng 25-30 độ là ấm áp, còn về lượng mưa, từ tháng 5 đến tháng 11 dương là mùa mưa, những cơn mưa đến cũng nhanh mà đi cũng rất nhanh, hôm nào mưa thì có lẽ không cần tưới, nếu trồng sân thượng nóng mà có mái che ko dính mưa dc thì phải tưới, còn hôm nào nắng không mưa thì cũng nên tưới. Từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau là mùa khô, nhiệt độ ngoài trời rất cao, nắng chiếu gay gắt, cái nóng khô hanh như thiêu như đốt khiến người người, nhà nhà cảm thấy muốn “bốc khói” thì các bạn chú ý tưới hàng ngày 1-2 lần.
Về phân bón, khoảng đầu tháng 6 dương ta phun phân bón NPK nhiều Lân (10-50-10 hay 10-30-10), đại loại hàm lượng P cao, mỗi tuần 1 lần theo chỉ dẫn trên nhãn, đến khi nụ sắp nở thì không phun phân bón, đợi tàn hoa thì cắt ngồng đi, phun NPK 20-20-20 mỗi tuần một lần loãng hơn chỉ dẫn trên nhãn (ví dụ nhãn bảo 1g NPK với 1 lít nước lã thì ta pha 1g NPK với 1.5-2 lít nước). Hay bạn nào dùng phân chậm tan, hoặc phân trâu, bò, dê, dơi, cá khô... bón gốc rồi thì thi thoảng mới bón thêm NPK thôi.
Trên đây mình đã giới thiệu về nhận dạng, cách trồng lan Cù Lao Minh. Nếu có gặp, hãy nhanh chóng bổ sung Cù Lao Minh vào bộ sưu tập lan của bạn vì nó quá đẹp, màu hoa độc đáo, dễ trồng, là niềm tự hào đặc hữu của Việt Nam và có thể một vài năm tới nữa việc sưu tầm Cù Lao Minh hàng rừng sẽ vô cùng khó khăn.
Bài viết rất hay, cảm ơn tác giả!
Trả lờiXóaCảm ơn bạn. Dùng facebook thì like Fanpage của mình nhé, sẽ chia sẻ nhiều bài viết hay: https://www.facebook.com/phonglancamtrinh/. Zalo 0374 553 533
XóaTuyệt. Mình đang sưu tầm đây.
Trả lờiXóaLoại này ít gặp để mua đấy
Xóa